Hói đầu là gì? Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa

Việc rụng một ít tóc trên da đầu mỗi ngày là điều bình thường. Nhưng nếu tóc mỏng hoặc rụng nhanh hơn bình thường, bạn có thể đang bị hói đầu.

Nhổ tóc hói đầu
Tình trạng hói đầu

Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá chi tiết tình trạng hói đầu, những nguyên nhân và triệu chứng có thể có và cách điều trị chứng hói đầu cụ thể ở cả nam và nữ.

Hói đầu là gì?

Hói đầu là tình trạng rụng tóc quá nhiều, rụng thành từng mảng hoặc không có tóc. Hói đầu thường dễ nhận thấy nhất trên da đầu, nhưng có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể nơi lông mọc. Và nó có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Nguyên nhân có thể là kết quả của di truyền, thay đổi nội tiết tố, điều kiện y tế hoặc một phần bình thường của quá trình lão hóa. Bất cứ ai cũng có thể bị rụng tóc trên đầu, nhưng nó phổ biến hơn ở nam giới.

Mối quan hệ giữa chu kỳ phát triển của tóc và đầu tóc bị hói

Tóc được tạo thành từ nang tóc (nằm trong da đầu để neo từng sợi tóc) và thân (sợi có thể nhìn thấy ở trên da đầu). Trong nang tóc, các tế bào phân chia và phát triển để tạo ra sợi tóc, nhờ một loại protein gọi là keratin.

Chu kỳ phát triển của tóc
Chu kỳ phát triển của tóc

Chu kỳ phát triển của tóc bao gồm ba giai đoạn:

  • Giai đoạn Anagen: Đây là giai đoạn phát triển, kéo dài khoảng 2 đến 4 năm. Tế bào mầm tóc biệt hoá ở nhú bì để tạo thành sợi tóc hoàn chỉnh và nhú ra khỏi da đầu. Khoảng 90% tóc trên da đầu của bạn đang trong giai đoạn này.
  • Giai đoạn Catagen: Catagen hay còn gọi là giai đoạn chuyển tiếp. Trong giai đoạn này, các nang tóc co lại, ngừng phát triển trong 2 đến 3 tuần, chân tóc teo nhỏ lại và tách khỏi nhú bì.
  • Giai đoạn Telogen: Đây là giai đoạn nghỉ ngơi, tóc sẽ rụng sau 3 đến 4 tháng. Sợi tóc bị đẩy hoàn toàn khỏi da đầu và chuẩn bị cho một sợi tóc mới mọc lên.

Vào cuối giai đoạn telogen, sợi tóc cũ bị đẩy khỏi da đầu thì sẽ có sợi tóc mới mọc lên, tiếp tục một vòng đời mới. Và theo tự nhiên thì tóc sẽ rụng khoảng 50 đến 100 sợi tóc mỗi ngày. Khi lượng tóc rụng vượt quá số lượng này thì hiện tượng hói đầu sẽ xảy ra.

Thông thường, mỗi nang tóc sẽ tạo ra tóc và kéo dài trong 2 đến 4 năm và sau đó bước vào giai đoạn nghỉ ngơi trong vài tháng. Trong giai đoạn nghỉ ngơi này tóc sẽ rụng. Trên da đầu thường có đến 100.000 nang lông nhưng vì mỗi nang có giai đoạn nghỉ khác nhau nên tình trạng rụng tóc thường khó nhận biết.

Cấu trúc nang tóc
Cấu trúc nang tóc

Các nhà khoa học cho biết chứng hói đầu bản chất là hiện tượng thu nhỏ nang tóc hay còn gọi là nang tóc bị teo. Hiểu đơn giản vể mặt di truyền, nang tóc khá nhạy cảm với hoạt động của dihydrotestosterone (DHT). Đây là một loại hormone được chuyển hóa từ testosterone với sự trợ giúp của một loại enzyme có trong tuyến dầu của nang.

Hormone DHT liên kết với các thụ thể 5AR có trong nang tóc và thu nhỏ chúng, khiến chúng nhỏ dần. Theo thời gian, các nang lông này sẽ tạo ra các sợi lông mỏng hơn, yếu hơn và chúng phát triển trong thời gian ngắn hơn bình thường. Cuối cùng, nang lông không còn tạo ra tóc được nữa, khiến khu vực này bị hói.

Các kiểu hói đầu phổ biến

Có 3 kiểu đầu hói thường thấy:

  • Kiểu hói chữ M: Tóc rụng thành mảng ở hai bên trán, phần từ thái dương đi sâu vào trong hơn sẽ dần tạo thành hình chữ M.
  • Kiểu hói chữ U: Tóc rụng nguyên phần trán và tiến sâu vào đỉnh đầu tạo thành mảng hình chữ U.
  • Kiểu hói chữ O: Tóc rụng ngay chính giữa đỉnh đầu tạo thành hình tròn với kích thước lớn, bé khác nhau.

Sự khác nhau giữa hói đầu ở nam và nữ

Khái niệm hói đầu thường ít dùng cho “phái đẹp” mà thay vào đó là tình trạng rụng tóc nhiều thành từng mảng, rụng tóc tập trung đường ngôi. Và giữa nam và nữ giới cũng có nhiều sự khác nhau về cả nguyên nhân và kiểu hói.

Hói đầu chữ M
Hói đầu chữ M

Ở nam giới, rụng tóc thường bắt đầu ở trên cả hai thái dương và giảm dần theo thời gian để tạo thành hình chữ “M”. Tóc cũng có xu hướng mỏng ở đỉnh và có thể dẫn đến hói đầu một phần hoặc hoàn toàn. Ở phụ nữ, chân tóc vẫn được duy trì và hiếm khi dẫn đến hói đầu toàn bộ, nhưng sẽ thường mất đường ngôi giữa, rụng nhiều ở đỉnh đầu và mỏng hơn trên toàn đầu.

Hói đầu ở nam giới đến 95% là do di truyền và có thể liên quan đến hormone sinh dục nam. Còn lại có thể là do rối loạn thần kinh nội tiết, áp lực công việc, cuộc sống, các bệnh lý và thói quen sống không lành mạnh như hút thuốc lá, rượu bia… Trước đây hói đầu thường thấy ở nam giới sau 40 nhưng hiện nay tình trạng này đã có xu hướng trẻ hoá, có thể bắt đầu sớm trong độ tuổi thanh thiếu niên 20-30 tuổi.

Nguyên nhân của chứng hói đầu ở phụ nữ là không rõ ràng. Tuy nhiên, rụng tóc thường xuyên xảy ra nhất ở phụ nữ sau khi mãn kinh, điều này cho thấy tình trạng này có thể liên quan đến việc giảm nội tiết tố nữ. Ngoài ra, lý do còn đến từ các vấn đề tâm lý, thiếu hụt dinh dưỡng hay ảnh hưởng của hoá chất làm tóc… So với nam giới thì phụ nữ sẽ bị hói ở độ tuổi trễ hơn, khoảng 40-50 tuổi trở nên.

Nguyên nhân bị hói đầu sớm

Nguyên nhân rụng tóc nhiều dẫn tới hói đầu thường liên quan đến một hoặc nhiều yếu tố sau:

  • Do di truyền

Nguyên nhân phổ biến nhất của rụng tóc nhiều là do di truyền, và thường bắt gặp ở nam giới. Tình trạng này được gọi là rụng tóc nội tiết tố nam. Nó thường xảy ra dần dần và theo các mô hình có thể đoán trước, chân tóc bị tụt xuống và xuất hiện các đốm hói ở nam giới và tóc mỏng dọc theo đỉnh da đầu ở nữ giới.

Tuỳ thuộc vào tiền sử gia đình mà hói đầu di truyền có thể bắt đầu từ rất sớm, thậm chí khi bạn đang ở tuổi thiếu niên.

  • Thay đổi nội tiết tố và điều kiện y tế

Một loạt các tình trạng hói đầu xuất phát từ việc thay đổi nội tiết tố do mang thai, sinh con, mãn kinh và các vấn đề về tuyến giáp. Các tình trạng y tế bao gồm rụng tóc từng mảng, liên quan đến hệ thống miễn dịch và gây ra rụng tóc loang lổ, nhiễm trùng da đầu như nấm ngoài da và rối loạn kéo tóc được gọi là trichotillomania.

  • Tác dụng phụ của thuốc và thực phẩm chức năng

Rụng tóc nhiều có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc, chẳng hạn như những loại thuốc được sử dụng cho bệnh ung thư, viêm khớp, trầm cảm, các vấn đề về tim, bệnh gút và huyết áp cao… Đặc biệt khi xạ trị vào đầu, tóc có thể không mọc lại như trước.

  • Căng thẳng (stress)

Tâm lý căng thẳng
Tâm lý căng thẳng

Nhiều người gặp phải tình trạng tóc mỏng đi vài tháng sau một cú sốc về thể chất hoặc cảm xúc. Đây là loại rụng tóc tạm thời. Căng thẳng, lo âu quá mức cũng làm thay đổi chu kỳ phát triển khiến tóc bước vào giai đoạn nghỉ nhanh hơn bình thường.

  • Hoá chất làm tóc, tạo kiểu

Tạo kiểu tóc quá nhiều hoặc những kiểu tóc kéo chặt gây áp lực cho tóc như thắt tóc hoặc buộc đuôi ngựa cao có thể khiến tóc rụng nhiều. Các liệu pháp chăm sóc tóc bằng dầu nóng và thuốc uốn cũng có thể khiến tóc bị rụng. Nếu sẹo xảy ra, rụng tóc có thể vĩnh viễn.
Nhiệt của các dụng cụ tạo kiểu, sấy cũng sẽ phá vỡ liên kết keratin khiến tóc khô, xơ và dễ gãy rụng.

Ngoài ra, một số yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ rụng tóc, bao gồm: Tuổi tác, tăng/giảm nhanh, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, dư thừa vitamin A, sinh hoạt không khoa học, sử dụng rượu bia và các chất kích thích…

Dấu hiệu nhận biết bị hói đầu sớm

Rụng tóc có thể xuất hiện theo nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra nó. Có thể rụng đột ngột hoặc dần dần, ảnh hưởng đến da đầu hoặc có thể là toàn bộ cơ thể của bạn.

Nguyên nhân rụng tóc sau sinh
Nguyên nhân rụng tóc sau sinh

Khi vùng hói đã hình thành rõ ràng thì rất dễ nhận biết nhưng khi mới bắt đầu thì rất khó phát hiện. Vậy nên, đừng bỏ qua những dấu hiệu dễ dàng nhận biết hói đầu được HairPlus.vn tổng hợp đầy đủ sau đây:

  • Rụng tóc nhiều và liên tục trong thời gian dài. Tóc con mọc lại ít, sợi mảnh và yếu hơn.
  • Các mảng da đầu hình tròn hoặc loang lổ xuất hiện. Da đầu có thể bị ngứa hoặc đau trước khi tóc rụng.
  • Các mảng vảy lan rộng trên da đầu. Đây là dấu hiệu của bệnh hắc lào, bệnh này có thể kéo theo tóc gãy, mẩn đỏ, sưng tấy và đôi khi còn chảy nước.
  • Hói đầu ở nam giới thường là do di truyền. Tình trạng này có thể bắt đầu ở mọi lứa tuổi, kể cả thanh thiếu niên. Rụng tóc thường bắt đầu ở mặt trước, hai bên hoặc trên đỉnh đầu, hình thành chữ M, U, O. Một số nam giới có thể bị hói đầu hoặc chỉ là chân tóc bị tụt xuống.
  • Hói đầu ở nữ giới thường ít phổ biến hơn ở nam. Phần chân tóc vẫn được duy trì và tóc thường mỏng trên toàn bộ đầu, hiếm khi dẫn đến rụng tóc toàn bộ.

Đối tượng dễ bị tóc hói là ai?

Hói đầu không phải là bệnh lý nhưng nó khiến tất cả mọi người đều phải e sợ. Có 4 nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh hói đầu cao nhất:

  • Nam giới trên 30 tuổi

Tỷ lệ nam giới ở độ tuổi trưởng thành bị hói là rất cao và hiện nay còn đang có xu hướng trẻ hoá. Tức là có thể ở độ tuổi thanh thiếu niên 20-30. Nhưng nếu bạn hạn chế được tình trạng căng thẳng về tinh thần, hạn chế các chất kích thích, rượu bia có hại cho cơ thể, duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh… thì cũng có thể tránh được tình trạng hói đầu.

  • Nam giới có người thân bị hói đầu (di truyền)

Như đã nói ở trên, nguyên nhân dẫn tới hói đầu do di truyền thường xảy ra với nam giới. Theo nghiên cứu, nếu nam giới có cha bị hói đầu thì nguy cơ bị hói di truyền lên tới 50%, còn có cả ông và cha bị hói thì tỷ lệ có thể là 100%. Với trường hợp này, các đấng mày râu chỉ còn cách sử dụng các giải pháp để làm chậm thời điểm hói mà thôi.

  • Phụ nữ sau sinh
Nguyên nhân rụng tóc nhiều
Nguyên nhân rụng tóc nhiều

Với phụ nữ sau sinh, nội tiết tố thay đổi, cơ thể không kịp thích nghi khiến tóc rụng nhiều. Công thêm yếu tố tâm lý, căng thẳng, lo âu kéo dài, không chăm sóc, bồi bổ cơ thể kịp thời nên rất dễ gây ra tình trạng hói đầu.

  • Phụ nữ mãn kinh/ tiền mãn kinh

Ở thời điểm mãn kinh hoặc tiền mãn kinh, phụ nữ gặp nhiều khó khăn từ tâm lý, chuyện chăn gối, sự mất cân bằng nội tiết tố diễn ra làm suy giảm chức năng của tế bào nang tóc. Từ đó, tóc rụng nhiều và có thể dẫn đến tình trạng hói đầu.

Cách điều trị hói đầu hiệu quả nhất hiện nay?

Nếu hói đầu do di truyền thì không thể ngăn ngừa được, nhưng nếu nguyên nhân đến từ các yếu tố khác, thì thật may mắn, hiện nay có rất nhiều cách có thể điều trị hói đầu vô cùng hiệu quả.

Điều trị hói đầu bằng phương pháp tự nhiên

Phương pháp tự nhiên đề cao tính an toàn nhưng sẽ cần kiên trì thực hiện để có được hiệu quả.

  • Massage

Hãy thường xuyên massage da đầu để giúp thư giãn đầu óc, kích thích máu dưới da đầu lưu thông, tạo điều kiện thuận lợi để tóc phát triển trở lại. Bạn có thể massage khi gội đầu hay massage nhẹ nhàng cùng dầu dưỡng buổi tối.

  • Sử dụng tinh dầu ủ tóc
Tinh dầu bưởi mọc tóc
Tinh dầu bưởi mọc tóc

Một số tinh dầu hoặc kem ủ tóc hiện nay có hiệu quả lớn trong việc phục hồi nang tóc, giúp tóc mọc trở lại, dày dặn hơn. Đồng thời cũng tăng cường độ bóng, óng ả đầy sức sống cho mái tóc.

  • Sống tích cực, ăn uống khoa học và tránh sử dụng chất kích thích

Thực hiện một chế độ ăn uống khoa học, thói quen sống lành mạnh, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Tránh căng thẳng đầu óc, tránh sử dụng rượu bia và các chất kích thích khác… Những điều này sẽ tạo điều kiện để cơ thể khỏe mạnh, nang tóc được phục hồi và tóc phát triển trở lại.

Điều trị hói đầu bằng phương pháp y khoa

Phương pháp tự nhiên bao giờ cũng an toàn và dễ dàng thực hiện, nhưng nếu quá “nôn nóng” phục hồi mái tóc dày dặn, bồng bềnh thì phương pháp điều trị hói đầu y khoa sẽ là một sự lựa chọn hợp lý.

  • Dùng thuốc: Hiện nay, trên thị trường có cung cấp các sản phẩm thuốc uống hoặc thoa để giảm viêm, ức chế hệ thống miễn dịch, điều hoà lại chu kỳ mọc tóc. Hay thuốc theo liệu pháp estrogen và progesterone dành cho phụ nữ thời kỳ mãn kinh làm chậm quá trình rụng tóc. Tuy nhiên, nếu sử dụng thuốc khiến tóc còn rụng nhiều hơn trước thì cần ngưng ngay lập tức, ít nhất 3 tháng sau mới thử lại.
  • Cấy tóc: Hai quy trình cấy tóc phổ biến nhất hiện nay là cấy đơn vị nang (FUT) và chiết đơn vị nang (FUE). FUT bao gồm việc loại bỏ một phần da ở phía sau da đầu nơi tóc vẫn đang mọc (chủ yếu là gáy). Phần da này sau đó được chia thành hàng trăm mảnh nhỏ gọi là mảnh ghép rồi cấy vào các phần của da đầu hói. Với FUE, bác sĩ phẫu thuật sẽ lấy từng nang tóc khỏe mạnh ra khỏi da đầu, sau đó tạo các lỗ nhỏ, nơi tóc không mọc và đặt các nang tóc khỏe mạnh vào các lỗ này.
  • Laser: Liệu pháp laser có thể điều trị chứng hói đầu ở cả nam và nữ, tuy cũng còn hạn chế nhưng một số nghiên cứu đã cho thấy kết quả đáng khích lệ. Phương pháp này sử dụng xung năng lượng thấp của ánh sáng để giúp tăng cường tuần hoàn ở da đầu và kích thích các nang tóc phát triển. Mặc dù đây là một lựa chọn điều trị khá mới, nhưng nó được cho là an toàn và ít xâm lấn hơn so với phẫu thuật cấy tóc.

Điều mấu chốt trong việc chữa trị rụng tóc là hầu hết các phương pháp điều trị chỉ là quản lý rụng tóc chứ không phải là một giải pháp lâu dài. Nên nếu tế bào mầm tóc đã quá suy yếu thì dù nỗ lực điều trị bằng phương pháp nào cũng rất khó có thể phục hồi.

Cách phòng ngừa hói đầu bạn nên biết

“Phòng ngừa hơn chữa bệnh”. Thay vì chờ nó xảy ra mới lo điều trị thì hãy ghi nhớ ngay những mẹo sau để ngăn chặn nó xảy ra.

Nhẹ nhàng với mái tóc của bạn. Sử dụng lược chải đầu thật nhẹ nhàng và tránh giật mạnh khi chải, đặc biệt là khi tóc ướt. Một chiếc lược răng thưa có thể giúp ngăn tóc rụng nhiều.

Kẹp duỗi tóc
Kẹp duỗi tóc

Tránh các phương pháp điều trị khắc nghiệt như lăn nóng, máy uốn tóc, dầu nóng và thuốc nhuộm. Hạn chế độ căng trên tóc từ các kiểu dùng dây chun, kẹp tóc và bím tóc.

Thả lỏng kiểu tóc của bạn. Tránh những kiểu tóc buộc chặt như tóc đuôi ngựa hoặc bím tóc.

Hạn chế nhiệt từ dụng cụ sấy và tạo kiểu. Các dụng cụ tạo kiểu như máy ép tóc và máy uốn tóc có thể góp phần gây tổn thương chân tóc.

Hạn chế hoá chất từ uốn, nhuộm, tẩy tóc.

Massage da đầu thường xuyên, nhưng không quá lạm dụng nó. Bởi sự cọ xát và căng thẳng liên tục lên các nang tóc có thể gây ra tổn thương.

Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất dinh dưỡng.

Từ bỏ rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích khác. Một số nghiên cứu đã cho thấy mối liên hệ giữa các chất kích thích và tình trạng rụng tóc.

Sử dụng thêm dầu dưỡng, kem ủ để bổ sung dưỡng chất cho tóc.

Hỏi bác sĩ về các loại thuốc và thực phẩm chức năng bạn dùng xem có thể gây rụng tóc không. Nếu bạn đang được điều trị hóa trị, hãy hỏi bác sĩ về mũ làm mát. Mũ này có thể làm giảm nguy cơ rụng tóc trong quá trình hóa trị.

Bảo vệ, che chắn tóc khỏi ánh nắng mặt trời và các nguồn tia cực tím khác.

Trên đây là tất cả những thông tin cần thiết về hói đầu, nguyên nhân và cách điều trị. Riêng đối với những trường hợp bị hói đầu do bệnh lý, bạn cần gặp bác sĩ để được khám và chữa bệnh kịp thời. Và trước khi dùng bất kỳ sản phẩm điều trị hay dưỡng tóc nào, hãy tìm hiểu kỹ thông tin để tránh mua phải hàng kém chất lượng càng khiến tình trạng tồi tệ thêm.

Hairplus.vn – Blog chia sẻ các bài viết liên quan về tóc, chăm sóc tóc cũng như review các sản phẩm chăm sóc tóc đang được người dùng quan tâm và đánh giá cao

Tìm kiếm Hairplus.vn qua: