Nấm da đầu là tình trạng bệnh lý mà bất cứ ai cũng không mong muốn mắc phải. Đây là một dạng nhiễm trùng da đầu do nấm mốc gây ra với những biểu hiện đặc trưng như: Xuất hiện gàu, da đầu ngứa ngáy khó chịu, rụng tóc, xuất hiện các mảng vảy trên đầu… Nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại sẹo hoặc rụng tóc vĩnh viễn. Những thông tin chi tiết về bệnh nấm da đầu sẽ được giải đáp ngay trong bài viết dưới đây của Hair Plus.
Nấm da đầu là gì? Nguyên nhân gây ra bệnh nấm da đầu
Ở những quốc gia có khí hậu nóng ẩm như Việt Nam thì tỷ lệ mắc nấm da đầu thường cao hơn những khu vực khác, đặc biệt là so với những quốc gia có khí hậu lạnh. Nấm da đầu là một dạng bệnh lý khá phổ biến và có thể lây lan từ người sang người hoặc từ động vật sang người. Tuy không ảnh hưởng đến sức khoẻ nhưng lại khiến người mắc phải khó chịu, tự ti trong cuộc sống và giao tiếp hàng ngày.
2 chủng nấm chính là nguyên nhân gây ra bệnh nấm da đầu đó là Trichophyton và Microsporum. Chúng xâm nhập vào các sợi tóc rồi lan dần xuống da đầu. Khi mới khởi phát bệnh nhân dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác về da đầu như á sừng, vảy nến, chấy… Vậy yếu tố tạo nên môi trường thuận lợi để 2 chủng nấm này phát triển là gì?
- Da đầu không sạch sẽ
Da đầu không được vệ sinh sạch sẽ khiến mồ hôi, bụi bẩn và các tế bào chết tạo nên môi trường ẩm ướt thuận lợi cho sự phát triển của nấm. Ngoài ra, da đầu có thể bị tổn thương và trầy xước do chúng ta gãi quá mạnh; từ đó nấm da đầu dễ dàng tấn công vào sâu trong nang tóc hơn.
- Thói quen để đầu ẩm ướt đi ngủ
Điều này thường xảy ra nhiều ở nữ giới hơn với những người sở hữu mái tóc dài. Thói quen gội đầu vào buổi tối, tóc chưa khô đã lên giường đi ngủ là điều kiện để làm nên môi trường sống hoàn hảo cho nấm da đầu. Nếu trong gia đình có người đang mắc bệnh nấm da đầu mà bạn dùng chung mũ, chăn, gối… cũng dễ bị nhiễm nấm.
- Lây nhiễm từ động vật
Nhiều người chủ quan nghĩ rằng bệnh nấm da đầu chỉ lây từ người sang người. Nhưng thực tế bệnh lý này có thể lây từ động vật sang người. Khi thú cưng của bạn không được vệ sinh sạch sẽ, nhiễm các loại nấm và bạn tiếp xúc với chúng thì cũng có thể bị lây.
- Những nguyên nhân khác
Ngoài các nguyên nhân trên thì sử dụng nguồn nước bị nhiễm vi khuẩn, nấm, làm việc ở môi trường hóa chất độc hại, lạm dụng thuốc điều trị bệnh trong thời gian dài… cũng là yếu tố gây ra bệnh nấm da đầu ở người.
Biểu hiện của bệnh nấm da đầu
Trước khi tìm hiểu về các phương pháp điều trị nấm da đầu thì trước hết bạn cần phải biết các biểu hiện của bệnh để không bị nhầm lẫn với một số bệnh lý về da đầu khác. Những biểu hiện đó bao gồm:
- Trên da đầu xuất hiện các vết phát ban đỏ hoặc tím, tiếp đến những mẩn đỏ này có thể phát triển thành mụn nhọt, bên trong chứa mủ trắng hoặc vàng.
- Da đầu mềm, ẩm và nhờn rít dù mới gội đầu.
- Xuất hiện các vảy trắng và có thể bong ra giống như gàu.
- Ở những người bị nấm da đầu nặng có thể bị loét da dẫn đến sốt, sưng các hạch bạch huyết trên cổ. Nấm có thể lan xuống mặt, trán, cổ, gáy.
Các giai đoạn phát triển của nấm da đầu
Để điều trị một cách triệt để bệnh nấm da đầu thì trước hết bạn phải biết được tình trạng bệnh của mình đang ở mức độ nào. Tuỳ vào tác nhân gây bệnh và cơ địa của mỗi người mà bệnh nấm da đầu sẽ có các giai đoạn phát triển như sau:
- Giai đoạn 1: Là giai đoạn khởi phát với các biểu hiện là: xuất hiện gàu, ngứa da đầu và đôi khi rụng tóc. Tuy nhiên nhiều người dễ nhầm lẫn với bệnh gàu hoặc nghĩ do bản thân vệ sinh da đầu chưa sạch.
- Giai đoạn 2: Gàu và chất nhờn nhiều hơn khiến người bệnh cảm thấy ngứa ngáy khó chịu, phải liên tục gãi để giảm cơn ngứa. Tuy nhiên khi tác động mạnh sẽ khiến da đầu bị tổn thương gây chảy máu, loét cục bộ. Dùng tay gãi da đầu bị nấm sẽ khiến nguồn bệnh lây lan sang các vùng da đầu khác. Lúc này các nốt mụn nhỏ ti li sẽ xuất hiện và lan rộng khiến nang tóc bị tổn thương.
- Giai đoạn 3: Là giai đoạn nặng nhất của bệnh nấm da đầu. Hiện tượng rụng tóc ngày một tăng lên dù người bệnh đã dùng mọi cách để điều trị. Lúc này bắt buộc phải loại bỏ hoàn toàn vi nấm, phục hồi nang tóc mới có thể làm cho tóc mọc trở lại.
Hướng dẫn cách phân biệt nấm da đầu – vảy nến – gàu thông thường
Như đã nói những biểu hiện ở giai đoạn đầu của bệnh nấm da đầu khá giống với các bệnh lý da đầu khác. Vì vậy bạn cần biết cách phân biệt thì mới có thể sử dụng thuốc một cách phù hợp dựa trên những đặc điểm dưới đây:
- Nấm da đầu: Xuất hiện các mụn nước đỏ gây đau da đầu. Vi nấm khiến da đầu luôn ẩm ướt và nhờn rít. Bệnh có thể lây lan giữa người với người và giữa động vật với người.
- Gàu: Là tình trạng tế bào da đầu thay mới quá nhanh và không lây lan. Da đầu sẽ đóng vảy trắng và rời ra thành từng mảng bám trên tóc hoặc rơi xuống quần áo.
- Vảy nến: Là tình trạng mãn tính do hệ thống miễn dịch của con người đang có vấn đề. Biểu hiện rõ nhất là các mảng bong tróc da màu đỏ hoặc màu bạc, da đầu khô, ngứa ngáy, có cảm giác nóng rát và rụng tóc.
Tổng hợp những cách trị nấm da đầu hiệu quả
Sử dụng thuốc trị nấm dạng bôi
Là các loại thuốc dạng kem hoặc dạng xịt được dùng để bôi trực tiếp lên vùng da đầu bị nhiễm nấm, có tác dụng diệt nấm và giảm ngứa nhanh chóng. Tuy không gây ra tác dụng phụ, lại dễ thực hiện thế nhưng thuốc khó tiếp cận hoàn toàn các tế bào nấm, trường hợp nặng có thể phải cạo bỏ tóc để bôi thuốc.
Một số loại thuốc bôi trị nấm da đầu hiệu quả được các bác sĩ có chuyên môn lựa chọn đó là: Miconazol, Ketoconazole, Naftifine, Nizoral Cream, Fluconazole, Clotrimazol,…
Trị nấm da đầu bằng thuốc uống
Thuốc uống điều trị nấm sẽ được chỉ định cho những trường hợp nặng, các biện pháp dân gian và thuốc bôi, dầu gội không còn hiệu quả nữa. Ưu điểm của thuốc uống là có thể đặc trị dứt điểm, kháng nấm từ bên trong cơ thể. Tuy nhiên người bệnh sẽ gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn như: Chóng mặt, buồn nôn, phát ban, nổi mề đay… và thường không được khuyến khích sử dụng cho trẻ nhỏ trừ những trường hợp bắt buộc.
Hiện nay có 2 loại thuốc trị nấm da đầu được ưu tiên sử dụng đó là: Griseofulvin điều trị trong 8 – 10 tuần, Terbinafine điều trị trong 4 – 6 tuần.
Điều trị nấm da đầu bằng các phương pháp tự nhiên
Chanh, bia tươi, muối, lá trầu không, búp ổi non, hương nhu, bồ kết, mật ong, dầu dừa… là một số nguyên liệu được sử dụng nhiều nhất để điều trị nấm da đầu tại nhà. Ưu điểm của phương pháp này là an toàn tuyệt đối, không có tác dụng phụ, dùng được cho mọi đối tượng, tiết kiệm chi phí… Tuy nhiên chỉ hiệu quả với những trường hợp nhẹ.
Biện pháp ngăn ngừa/giảm thiểu nấm da đầu
Làm thế nào để ngăn ngừa tình trạng nấm da đầu quay trở lại cũng là thắc mắc được rất nhiều người quan tâm đến. Hãy lưu ý thực hiện theo những điều sau:
- Khi vào mùa nắng nóng cần giữ vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, nhất là phòng ngủ và các loại chăn, gối… Điều này sẽ giúp bạn tránh được vi khuẩn, nấm tích tụ gây ra nấm da đầu.
- Không để đầu bẩn hoặc gội đầu quá thường xuyên, thích hợp nhất là gội đầu khoảng 2 – 3 lần/tuần bằng các loại dầu gội tự nhiên, chứa ít thành phần hoá chất. Nếu đi ngoài mưa hoặc bụi bẩn về phải làm sạch tóc ngay.
- Không đội mũ quá chật hoặc quá lâu làm tóc bị ẩm, tạo điều kiện thuận lợi để các vi nấm phát triển.
- Không dùng chung khăn lau, bàn chải, lược, mũ đội đầu… với người khác; đặc biệt là những người tóc đang bị gàu hoặc có những biểu hiện của bệnh nấm da đầu.
- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, uống đủ nước để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Nấm da đầu là gì, nguyên nhân và cách điều trị đã được giới thiệu chi tiết trong bài viết trên đây. Là bệnh lý dễ lây lan, mang đến sự phiền toái cho người nhiễm bệnh; vì thế phải tìm được chính xác nguyên nhân thì mới có thể điều trị triệt để.
Hairplus.vn – Blog chia sẻ các bài viết liên quan về tóc, chăm sóc tóc cũng như review các sản phẩm chăm sóc tóc đang được người dùng quan tâm và đánh giá cao
Tìm kiếm Hairplus.vn qua:
- Facebook: https://fb/HairPlusvnn
- Youtube: